Ngữ lục Bồ Đề Đạt Ma

  • Tình trạng: Chỉ còn 1 sản phẩm
58.000₫

Tác giả ;Nguyên Hảo
Dịch giả ;Nguyên Hảo
NXB ;Phương Đông
Hình thức ;Bìa Mềm
Số trang ;162
Kích thước :13 x 20.5 cm

NGỮ LỤC BỒ ĐỀ ĐẠT MA -  I
BỐN QUÁN HẠNH VÀO ĐẠO CỦA ĐẠI THỪA

 

Muốn vào Đạo có nhiều đường, tóm lại không ra ngoài hai đường: Lý Nhập và Hạnh Nhập.

 

Lý Nhập là thực hành theo giáo lý mà bước vào cội nguồn của đạo. Tin sâu rằng các loài hàm sinh đều cùng một chân tánh, chỉ do khách trần (1), vọng tưởng che khuất nên không hiển lộ. Nếu rời hư dối mà trở về nơi chân thật, dừng lại trong bích quán, không thấy có mình có người, phàm thánh là một, vững chắc không dời, cũng không theo chữ nghĩa. Đó là hợp với lý, không phân biệt tịch diệt vô vi, gọi là lý nhập.

 

Hạnh Nhập có bốn hạnh. Tất cả những hạnh khác cũng đều nhập cả vào bốn hạnh này. Bốn hạnh đó là gì? Thứ nhất là Báo Oan Hạnh, thứ hai là Tùy Duyên Hạnh, thứ ba là Vô Sở Cầu Hạnh, và thứ tư là Xứng Pháp Hạnh.

 

Báo Oan Hạnh: người tu đạo lúc gặp khổ, nên tin nghĩ rằng mình từ trong vô số kiếp xưa, bỏ gốc theo ngọn, trôi nổi theo các pháp hữu vi, khởi nhiều oan ghét, tội lỗi rất nhiều. Ngày nay tuy không lầm lỗi, nhưng chính là cái tai họa tạo ra trước kia của mình. Khi ác nghiệp chín, không có trời, không có người nào có thể thấy trước. Nay mở tâm nhận chịu, không than thở. Kinh dạy: "Gặp khổ không buồn. Vì sao thế? Hiểu rõ vậy." Hiểu như thế, thì tương ưng với lý. Lấy oan mà tăng tiến đạo hạnh, nên gọi là Báo Oan Hạnh.

 

Tùy Duyên Hạnh: Chúng sanh không phải do chính mình làm chủ mà do duyên nghiệp chuyển hoá. Cảm nhận khổ vui đều do duyên sinh. Nếu được quả báo tốt đẹp vinh dự vân vân, đó là do nhân quá khứ cảm nên, ngày nay có được, khi duyên hết thì trở lại hoàn không. Có gì mà vui khi được? Được mất theo duyên, tâm không thêm bớt. Gió vui không động, thầm thuận nơi đạo. Đó là Tùy Duyên Hạnh.

 

Vô Sở Cầu Hạnh: Người đời ở trong cơn mê dài, dẫy đầy sự tham trước, gọi là có cầu. Người trí giác ngộ sự thật, ngược lại thế tục, an tâm nơi vô vi, thân thuận theo sự biến chuyển. Vạn vật đều là không, không có chỗ để ham muốn. Công đức và hắc ám thường đuổi theo nhau. Ba cõi ở lâu như trong nhà lửa. Có thân tất khổ, chẳng ai được an ổn. Hiểu rõ chỗ này thì sẽ bỏ được mọi thứ, dừng lại vọng tưởng, không còn cầu mong. Kinh dạy: "Có cầu tất có khổ, không cầu được vui." Khi không cầu mong, đó thật là tu đạo.

 

Xứng Pháp Hạnh: Lý thể các pháp tự tánh thanh tịnh. Trong đó, mọi vật đều là không, không nhiễm, không trước, không chủ, không khách. Kinh dạy: "Pháp không chúng sanh, nên lìa chúng sanh cấu, pháp không có ngã, nên lìa ngã cấu." Người trí nếu tin hiểu lý này, có thể thuận với Phật Pháp mà tu hành. Bản thể của pháp là không, nên xả thí thân mạng, tài sản mà tâm không luyến tiếc. Hiểu rõ ba không, không nương không bám, dẹp dần trần cấu, giáo hóa chúng sanh mà không mắc vào hình tướng. Đó là tự hành, mà lại có thể lợi người, lại có thể trang nghiêm đạo Bồ Đề. Hạnh bố thí với năm hạnh khác (sáu ba la mật) cũng đều đầy đủ. Giải trừ vọng tưởng, tu hành lục độ (2), nhưng không thấy chỗ tu, gọi là Xứng Pháp Hạnh.

 

 

 

Chú thích:

 

(1) Khách trần: Bụi bặm từ bên ngoài. Theo Kinh Lăng Nghiêm, khách trần là những thứ từ bên ngoài tác dụng vào tâm thức chúng ta.

 

(2) Lục độ: 1/ Bố thí, 2/ Trì giới, 3/ Nhẫn nhục, 4/ Tinh tấn, 5/ Thiền định, 6/ Trí Huệ.

 

 

---o0o---

NGỮ LỤC BỒ ĐỀ ĐẠT MA -  II
 

NGỘ TÁNH LUẬN
 

Đạo lấy tịch diệt làm thể, Tu lấy lìa tướng làm chỗ về. Do đó Kinh dạy: "Tịch diệt là bồ đề, diệt các tướng vậy." Phật có nghĩa là giác ngộ. Người có tâm giác ngộ thì đạt được đạo Bồ Đề, gọi là Phật. Kinh dạy: "Lìa hết thảy các tướng gọi là Phật." Như thế biết rằng có tướng là tướng không hình tướng, không thể dùng mắt thấy, chỉ có thể dùng trí mà biết. Nếu có người nghe pháp này mà sinh được một niệm tin người này đã phát khởi Đại Thừa, vượt ra ba cõi.

 

Ba cõi là tham, sân, si. Ngược lại với tham sân si là giới, định, huệ, gọi là vượt ra ba cõi. Tham, sân và si cũng không có tính chân thật, chỉ là nương nơi chúng sanh mà gọi. Nếu có thể phản chiếu, khi nhận rõ sẽ thấy tánh của tham sân si tức là tánh Phật. Ngoài tham sân si không có tánh Phật nào khác. Kinh dạy: "Chư Phật từ xưa đến nay thường ở trong ba độc nuôi lớn Pháp trong sạch, mà thành đấng Thế Tôn." Ba độc là tham, sân và si.

 

Nói rằng Đại Thừa là Tối Thượng Thừa, là nói chỗ tu hành của các bậc Bồ Tát (1). Không chỗ nào là không thừa (chở), cũng không có chỗ thừa. Suốt ngày chở mà chưa từng chở. Đó là Phật Thừa. Kinh dạy: "Không (Vô) Thừa là Phật Thừa." Như có người biết rằng sáu giác quan là không thật, năm uẩn (2) chỉ là giả đặt, tìm kiếm khắp chỗ mà không có nơi an định, nên biết người này hiểu rõ lời Phật. Kinh dạy: "Hang động của năm uẩn gọi là thiền viện, mở con mắt chiếu soi vào bên trong là cửa vào Đại thừa." Điều này không rõ ràng lắm sao?

 

Không ghi nhớ một pháp nào gọi là thiền định. Nếu hiểu được điều này thì đi đứng nằm ngồi đều là thiền định. Biết tâm là không, đó là thấy Phật. Vì sao vậy? Chư Phật trong mười phương đều là vô tâm. Không thấy có tâm, gọi là thấy Phật. Bỏ thân không tiếc gọi là đại bố thí. Rời khỏi sự động, sự định gọi là tọa thiền. Vì sao vậy? Người phàm phu chỉ hướng ra động, bậc Tiểu thừa chỉ hướng vào định. Pháp môn tọa thiền vượt ra khỏi phàm phu và Tiểu thừa gọi là Đại Tọa Thiền. Nếu hiểu được lý này, hết thảy các tướng không cầu mà tự cởi bỏ, hết thảy các bịnh không trị mà tự lành. Đó đều là sức mạnh của Đại Thiền Định.

 

Theo tâm cầu pháp là mê, không theo tâm cầu pháp là ngộ, không dính mắc vào văn tự gọi là giải thoát, không nhiễm sáu trần gọi là hộ pháp, ra khỏi sinh tử gọi là xuất gia, không phải sinh lại gọi là đạt đạo, không sinh vọng tưởng gọi là Niết Bàn, không bị vô minh gọi đại trí tuệ, không có phiền não gọi là Niết Bàn, không thấy tướng tâm gọi là bỉ ngạn (bờ bên kia).

 

Khi mê thì có bờ bên này, khi ngộ thì không còn bờ bên này. Vì sao vậy? Vì phàm phu chỉ ở bên này, khi giác ngộ Tói Thượng Thừa, tâm không trụ bên này cũng không trụ bên kia, nên có thể rời khỏi bờ bên này, bên kia. Nếu thấy bờ bên này khác với bờ bên kia, tâm của người này không đạt được thiền định.

 

Phiền não gọi là chúng sanh, ngộ giải gọi là Bồ đề, hai việc này không đồng cũng không khác, chỉ là do mê ngộ cách nhau. Khi mê thì có thế gian để ra khỏi, khi ngộ không có thế gian để ra khỏi.

 

Trong pháp bình đẳng, không thấy phàm phu khác với bậc Thánh. Kinh dạy: "Đối với pháp bình đẳng (3), kẻ phàm phu không thể vào được, bậc Thánh không thực hành được." Pháp bình đẳng chỉ có các Đại Bồ Tát và các đức Phật Như Lai mới thực hành được. Nếu thấy sống và chết khác nhau, động và tịnh khác nhau, như vậy là không bình đẳng. Không thấy phiền não (4) khác với Niết Bàn, gọi là bình đẳng. Vì sao? Phiền não và Niết Bàn đều cùng một tánh không (5). Bậc Tiểu thừa vọng trừ phiền não, vọng nhập Niết Bàn, bị vướng mắc nơi Niết Bàn. Bồ Tát biết phiền não tánh không, tức không rời không, nên thường ở trong Niết Bàn. Niết Bàn, Niết bèn là không sinh, Bàn bèn là không chết. Ra ngoài sinh tử, ra khỏi Niết Bàn, tâm không đi, đến, tức là nhập Niết Bàn. Do đó biết rằng Niết Bàn là tâm không. Chư Phật nhập Niết Bàn là ở nơi không vọng tưởng. Bồ Tát nhập đạo tràng (6) là ở chỗ không phiền não.

 

Chỗ rỗng không là chỗ không có tham, sân, si. Tham là cõi dục, sân là cõi sắc, si là cõi vô sắc. Khi tâm niệm khởi tức là vào ba cõi, khi tâm niệm diệt tức ra ba cõi. Cho nên biết rằng sự sinh diệt trong ba cõi, sự có không của các pháp, đều do tâm mà khởi. Nói pháp tức là gồm cả những vật vô tình như gạch ngói, đá, cỏ, cây cối.

 

Nếu biết tâm chỉ là giả đặt tên, không có bản thể chân thật, tức hiểu tự tâm cũng chẳng là có, cũng chẳng là không. Vì sao? Phàm phu chỉ có khởi tâm, gọi là có. Tiểu thừa thì cố diệt tâm, gọi là không, Bồ Tát và Phật chưa từng sinh tâm, chưa từng diệt tâm, gọi là tâm chẳng có chẳng không. Tâm chẳng có chẳng không gọi là Trung Đạo. Cho nên biết rằng đem tâm học pháp, thì tâm và pháp đều mê mờ. Không đem tâm học pháp thì tâm và pháp đều ngộ. Mê là mê cái ngộ. Ngộ là ngộ cái mê. Người có chính kiến, biết tâm không vô, liền vượt khỏi mê, ngộ. Không có cả mê lẫn ngộ là hiểu biết chân chính.

 

Cái thấy chân chính là sắc chẳng phải chính là sắc, do tâm nên có sắc, tâm chẳng phải chính là là tâm, do sắc có tâm, cho nêm biết rằng tâm và sắc nương nhau sinh diệt. Có là có nơi không, không là không nơi có. Đó là cái thấy chân thật. Cái thấy chân thật là không cái gì là chẳng thấy, cũng không có cái gì được thấy, thấy khắp mười phương mà chưa từng thấy. Vì sao? Vì không có chỗ thấy, vì thấy cái không chỗ thấy, vì thấy không phải là thấy. Cái thấy của người phàm đều là vọng tưởng. Nếu tịch diệt (7) rời cái thấy gọi là thấy chân thật.

 

Tâm và cảnh đối nhau, cái thấy sinh ra từ đó. Nếu bên trong không khởi tâm, thì bên ngoài sẽ không sinh cảnh. Cảnh và tâm đều tịnh gọi là thấy chân thật. Khi hiểu được điều đó, gọi là hiểu chân chính.

 

Chẳng thấy một pháp gọi là đắc đạo. Chẳng hiểu một pháp gọi là giải thoát. Vì sao? Thấy và không thấy đều là không thấy. Hiểu và không hiểu đều là không hiểu. Thấy mà không thấy được gọi là thấy chân thật. Hiểu mà không hiểu được gọi là hiểu lớn.

 

 

Cái thấy chân chính không phải là cái thấy như là thấy, cũng là cái thấy không thấy. Cái hiểu chân thật không phải là cái hiểu như là hiểu, cũng là cái hiểu không hiểu. Phàm có đối tượng để hiểu thì là không hiểu. Không có đối tượng để hiểu tức là hiểu chân chính. Hiểu và không hiểu đều là không hiểu.

 

Kinh dạy: "Không rời trí huệ gọi là huệ ngưng (trí tuệ không lưu thông)." Nếu tâm là không thì hiểu và không hiểu đều là chân thật. Nếu tâm là có, hiểu và không hiểu đều là hư dối.

 

Khi hiểu thì pháp theo người, khi không hiểu thì người theo pháp. Nếu pháp theo người thì phi pháp cũng thành pháp. Nếu người theo pháp thì pháp cũng thành phi pháp. Nếu người theo pháp thì pháp là hư dối. Nếu pháp theo người thì pháp là chân thật. Vì vậy Thánh nhân không đem tâm cầu pháp, cũng không lấy pháp cầu tâm, cũng không lấy tâm cầu tâm, cũng không lấy pháp cầu pháp. Tâm không sinh pháp, pháp không sinh tâm. Tâm và pháp cả hai đều rỗng lặng. Cho nên thường ở trong định.

 

Tâm chúng sinh sinh thì Phật Pháp diệt, tâm chúng sinh diệt thì Phật Pháp sinh. Tâm sinh thì pháp chân thật diệt, tâm diệt thì pháp chân thật sinh. Người biết hết thảy các pháp không dính mắc nhau là người đắc đạo. Biết tâm không dính mắc vào một pháp, người này thường ở trong Đạo tràng.

 

Khi mê thì có tội, khi hiểu thì không tội. Vì sao? Tính của tội vốn không. Khi mê thì không tội cũng thấy có tội. Khi hiểu thì có tội mà không tội. Vì sao? Vì tội không có xứ sở. Kinh dạy: "Các pháp không có tính." Hãy theo mà đừng sinh tâm nghi ngờ. Nghi tức là thành tội. Vì sao? Tội do nghi mà sinh. Nếu hiểu như vậy, các tội đời trước liền tiêu diệt. Khi mê thì sáu thức, năm ấm đều là pháp phiền não sinh tử. Khi ngộ thì sáu thức, năm ấm đều là pháp Niết Bàn không sinh tử.

 

 

Người tu đạo không cầu đạo ở bên ngoài. Vì sao? Vì biết tâm là đạo. Khi thấy được tâm thì biết không có cái tâm có thể đắc. Khi thấy được đạo thì biết không có đạo có thể đắc. Nếu bảo rằng có thể đem tâm cầu đạo, đó là tà kiến. Khi mê có Phật có Pháp. Khi ngộ, không Phật không Pháp. Vì sao? Ngộ tức là Phật Pháp.

 

Nói về tu đạo, thân diệt đạo mới thành, như võ cây bóc ra từ thân cây. Thân nghiệp báo này biến dịch trong từng niệm niệm, không có thứ gì cố định. Theo niệm mà khởi tu. Không ghét sanh tử, cũng không ham mê sinh tử, chỉ trong mỗi niệm không có vọng tưởng thì ngay trong lúc còn sống chứng Hữu Dư Niết Bàn (8), khi chết được Vô Sinh Pháp Nhẫn (9).

 

Mắt thấy hình tướng không nhiễm nơi hình tướng, tai nghe tiếng không nhiễm nơi tiếng tức là giải thoát. Mắt không dính vào hình tướng, mắt là cửa thiền. Tai không dính vào tiếng, tai là cửa thiền. Nói tóm lại, người nào thấy sự hiện hữu của hiện tượng và tánh của hiện tượng mà không vướng mắc thì luôn được giải thoát. Người thấy hình tướng bên ngoài của hiện tượng thường bị trói buộc. Không bị phiền não trói buộc là giải thoát, không có giải thoát nào khác. Khéo chiếu soi vào hiện tượng, hiện tượng không làm khởi tâm, tâm cũng không sinh khởi hiện tượng, tức hiện tượng và tâm cả hai đều thanh tịnh.

 

Khi không còn vọng tưởng, tâm là cõi Phật, khi có vọng tưởng, tâm là địa ngục. Chúng sanh tạo tác vọng tưởng, lấy tâm sinh tâm, nên thường ở chốn địa ngục. Bồ Tát quán sát vọng tưởng, không đem tâm sinh thêm tâm, nên thường ở cõi Phật. Nếu không lấy tâm sinh tâm, mỗi khởi tâm đều nhập vào không, mỗi khởi niệm đều về chỗ thanh tịnh, đi từ cõi Phật này đến cõi Phật khác. Nếu lấy tâm sinh tâm, mỗi khởi tâm đều bất tịnh, mỗi khởi niệm đều hướng về chỗ động, đi hết địa ngục này lại qua địa ngục khác. Khi một tâm niệm khởi lên, liền hiện hai nghiệp thiện ác, liền có thiên đường địa ngục. Một tâm niệm không khởi thì không có hai nghiệp thiện ác, cũng không có thiên đường địa ngục.

 

Thể không có cũng chẳng không. Tại phàm phu thì gọi là có, nơi Thánh thì là không. Thánh nhân không có tâm đó nên rỗng không, rộng lớn như bầu trời.

 

Sau đây là sự chứng nhập đại đạo, không phải là cảnh giới của phàm phu và tiểu thừa.

 

Khi tâm đắc Niết Bàn thì không thấy có Niết Bàn. Vì sao? Vì tâm chính là Niết Bàn. Nếu ngoài tâm thấy Niết Bàn, đó là mắc vào tà kiến.

 

Hết thảy các phiền não là hạt giống tâm của Như Lai, vì do phiền não mà được trí tuệ. Nhưng chỉ có thể nói rằng phiền não sinh Như Lai, không thể bảo rằng phiền não là Như Lai. Do đó, thân tâm là ruộng nương, phiền não là hạt giống, trí tuệ là chồi mầm, Như Lai ví như lúa thóc.

 

Phật ở trong tâm như hương thơm trong cây. Phiền não nếu không còn thì Phật từ tâm mà hiện, giống như khi cây không thối mục thì hương thơm phát ra, cho nên biết rằng ngoài cây không có hương, ngoài tâm không có Phật. Nếu ngoài cây có hương đó là hương của vật khác, nếu ngoài tâm có Phật tức là Phật nào khác.

 

Trong tâm có ba độc (10) gọi là cõi nước dơ xấu (quốc độ uế ố). Trong tâm không có ba độc thì là cõi nước thanh tịnh. Kinh dạy: "Nếu làm cho cõi nước không trong sạch, đầy những dơ xấu, các đức Phật Thế Tôn xuất hiện trong đó là việc chưa từng có." Bất tịnh, dơ xấu thuộc về vô minh và ba độc. Chư Phật Thế Tôn thuộc về tâm thanh tịnh giác ngộ.

 

Hết thảy ngữ ngôn không gì chẳng là Phật Pháp. Nếu suốt ngày thường nói mà chẳng nói một lời đó là đạo. Nếu suốt ngày không nói mà có điều để nói, đó là phi đạo. Do đó Như Lai nói mà không nương nơi yên lặng, yên lặng mà không nương nơi nói, nói cũng không rời yên lặng. Người ngộ được sự nói nín như vậy là ở trong tam muội (11). Nếu khi biết mà nói, nói là giải thoát. Nếu không biết, không nói cũng là trói buộc. Do đó, lời nói nếu rời tướng trạng thì nói là giải thoát. Yên lặng mà dính vào tướng trạng, yên lặng cũng là trói buộc. Tính của văn tự vốn là giải thoát, văn tự không có gì trói buộc, trói buộc vốn không can hệ gì với văn tự.

 

Pháp (chân lý) không có cao thấp, nếu thấy có cao thấp thì không phải là Pháp. Không có Pháp nào là bè, nhưng Pháp là cái bè của người. Người chèo chiếc bè đó có thể vượt qua phi pháp, thì đó là Pháp chân thật.

 

Theo thế tục thì có nam, nữ, giàu, nghèo. Theo lý đạo thì không có nam, nữ, giàu, nghèo. Thiên nữ khi ngộ đạo không đổi hình nữ, Xá Nặc khi hiểu đạo không đổi cách xưng (tiện xưng). Điều đó chứng tỏ rằng không có nam nữ, giàu nghèo, tất cả đều từ một tướng. Thiên nữ trong mười hai năm cầu dứt nữ tướng mà không được, nên biết mười hai năm cầu tướng nam cũng không thể được. Mười hai năm tức là mười hai nhập (12).

 

Ngoài tâm không có Phật, ngoài Phật không có tâm, cũng như ngoài nước không băng, ngoài băng không nước. Nói rằng bỏ tâm không phải là xa rời tâm, chỉ bảo đừng mắc vào tướng tâm. Kinh dạy: "Không thấy tướng gọi là thấy Phật." Đó là rời tướng tâm vậy.

Xem thêm Thu gọn

 Do nhu cầu mua hàng online ngày càng gia tăng website 07mua.com cung cấp các sản phẩm thuộc các ngành hàng như sau: Sách, Văn phòng phẩm, In ấn, bao bì, Bách hóa, mỹ phẩm, Thời trang, Điện gia dụng...
Với phương châm sản phẩm mang lại sản phẩm tốt phục vụ khách hàng ,không bán hàng nhái, hàng giả.
07 Mua rất mong được ủng hộ của quý khách hàng.

Trân Trọng

LIÊN HỆ

Sản phẩm vừa xem

popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Giỏ hàng( Sản phẩm)