Vườn ngôn sứ và Thần linh trần thế

  • Tình trạng: Chỉ còn 10 sản phẩm
32.000₫

Vườn ngôn sứ và Thần linh trần thế

Tác giả    Kahlil Gibran
Dịch giả    Nguyễn Ước
Đơn vị xuất bản: Nxb Văn Học
Năm xuất bản:  2012
Số trang:  141
Kích thước: 13.5x20.5 cm

Vườn ngôn sứ và Thần linh trần thế

Thi sĩ, triết gia và họa sĩ Kahlil Gibran chào đời tại xứ Li-băng (Lebanon) giáp ranh miền Bắc của Israel. Mảnh đất nhìn ra Địa Trung Hải, với Syria và Thổ Nhĩ Kỳ sát cạnh sườn, nên là nơi giao lưu của nhiều nền văn hóa lớn và sản sinh ra nhiều ngôn sứ nổi tiếng. Bản thân Kahlil Gibran cũng được đánh giá là một ngôn sứ của thời đại.

Kahlil Gibran đã được dịch khá nhiều ở Sài Gòn trước 1975. Một số tác phẩm được xuất bản gần đây như Giọt lệ và nụ cười, 2007, Nxb Văn hóa Sài Gòn (Nguyễn Yến Anh dịch, tái bản bản in trước 1975), Ngọn lửa vĩnh cửu, 2009, Nxb Văn hóa Sài Gòn (Đỗ Tư Nghĩa dịch) và Nhà tiên tri, 2010, Nxb Thời đại (Châu Diên dịch, tái bản bản in năm 1992), nhưng rải rác. Lần này, với bộ sách Kahlil Gibran, nhà nghiên cứu – dịch giả Nguyễn Ước đã dành thời gian hơn 2 năm để dịch và giới thiệu cho chúng ta một cái nhìn tổng thể về con người – tác phẩm lừng danh: Kahlil Gibran.

*

*     *

Trước khi qua đời vì bệnh ung thư (1931) Kahlil Gibran vẫn tiếp tục hoàn chỉnh bản thảo của The Garden of the Prophet (Vườn ngôn sứ), được xuất bản hai năm sau (1933).

Trong Ngôn sứ (Kẻ tiên tri) (1923), một tác phẩm được K. Gibran viết lại tới ba lần vào ba độ tuổi khác nhau, tác giả mô phỏng khung sườn của Thus Spoke Zarathustra của Nietzsche nhưng như chúng ta đã thấy, nội dung duy tâm, nhân bản và lạc quan của Ngôn sứ (Kẻ tiên tri) hoàn toàn không chịu ảnh hưởng của triết học Nietzsche. Theo một số nhà nghiên cứu tôn giáo, có lẽ tư tưởng của K. Gibran chịu ảnh hưởng tổng hợp của Kitô giáo phương Đông, Hồi giáo và Đạo Bahá’i. Vườn ngôn sứ là cuốn nối điêu của Ngôn sứ (Kẻ tiên tri).

Có thể nói Ngôn sứ (Kẻ tiên tri), Vườn ngôn sứ và The Earth Gods (Thần linh trần thế) làm thành một bộ ba tập. Nhiều nhà nghiên cứu triết học xem cả ba như một tổng thể của K. Gibran nhằm đưa ra một phác thảo về mối liên hệ ba chiều kích trong cuộc hiện sinh của con người. Có thể diễn tả theo thuật ngữ triết học, ba chiều kích đó là:

Mitwelt hay Mitdasein. Mối liên hệ giữa con người với con người trong bối cảnh sống với các vấn đề của con người và cũng là vấn đề con người (Ngôn sứ (Kẻ tiên tri));
2. Umwelt. Mối liên hệ giữa con người với vũ trụ nói chung và thiên nhiên nói riêng (Vườn ngôn sứ);
Gotteswelt. Mối liên hệ giữa con người với Thượng đế, hay thần linh (Thần linh trần thế).
Trong Vườn ngôn sứ, K. Gibran có lặp lại một số chủ đề trong Ngôn sứ (Kẻ tiên tri). Tuy nhiên, ở đây, chúng được trình bày có tính cách tâm truyền và tâm linh hơn, qua cách Ngôn sứ Almustafa nói với chín đệ tử sống chung với ông tại Vườn của song thân ông.

Bằng chiêm nghiệm và qua những phát biểu của một ngôn sứ hư cấu, K. Gibran đặt cái nhìn về con người giữa cái nhìn về thiên nhiên. Nhiều chỗ, đặc biệt cuối sách, ông đề cập tới sinh thái, xem thiên nhiên không phải là nguồn tài nguyên mà là mẹ, là chị, là ngôi nhà cho con người trần thế và là chốn trở về của con người tạ thế. Ông tâm linh hóa động thái tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi sinh, chống đối thái độ chuyên quyền của con người ngay cả đối với đất đá, sương khói, v.v. Và ông phát biểu không với nhãn quan của một nhà khoa học nhưng với ngôn từ của một nhà thơ tâm linh.

Từ lúc Vườn ngôn sứ ra đời tới nay đã gần 80 năm, và K. Gibran không còn sống để thấy mối lo sợ của ông đang thành hiện thực. Hẳn giờ này, ở đâu đó thần khí của ông cũng đang xót xa vì thiên nhiên bị con người tàn phá tới cùng cực, đặc biệt rừng rú, các dòng sông và không khí, v.v. Và thái độ vô đạo với thiên nhiên như thế trở thành những hành động bất nhân với chính bản thân, vì rõ ràng con người ngày nay hầu như không còn dám nghĩ tới thiên nhiên như một tổ ấm cho mình và hậu duệ.

*

*     *

Thần linh trần thế là một trường thi kể lại cuộc đối thoại giữa ba vị thần linh phụ trách thế giới này, và qua những bộc lộ của họ, còn có một vị thần linh bên trên họ, được hiểu như là Thượng đế (God). Hai vị thần đầu tiên cho rằng con người là lương thực của thần linh, nghĩa là con người là thức ăn, là phương tiện cho vinh quang và kế hoạch của thần linh. Như thế, con người cũng có thể được hiểu là đồ chơi cho những ý tưởng bất chợt hay cố định của thần linh. Quan niệm đó đưa đến sự chuyên quyền tới nhàm chán, mệt nhoài của thần linh, và sự phi lý, nghiệt ngã mà con người phải chịu trong cuộc hiện sinh mong manh của nó.

Vị thần linh thứ ba có cái nhìn ngược lại và ra sức thuyết phục hai thần linh kia thay đổi quan điểm. Y nhắc nhở hai đồng loại rằng phẩm hạnh của thần linh là yêu thương, và hạnh phúc của con người trong cuộc sống trần thế của nó là Tình yêu. Tình yêu biến thế giới thành nơi đáng sống, cảm hóa được thần linh và nâng con người lên tới thần linh. Con người, với Tình yêu, thể hiện được mọi phẩm hạnh của thần linh và là thần linh giữa trần thế, dù nó mãi mãi bị chi phối bởi tính yếu đuối của nó.

Với hình ảnh tìm tới nhau rồi cuốn hút vào nhau của một đôi nam nữ dưới ánh trăng, được xem như kết tinh và tiêu biểu cho tình người và tính người, K. Gibran, qua lời thoại của thần linh thứ ba, cho thấy con người đáp ứng được khát vọng gần gũi với Thượng đế. Con người lên tới Thượng đế “trong”, “qua” và “với” Tình yêu.

Xem thêm Thu gọn

 Do nhu cầu mua hàng online ngày càng gia tăng website 07mua.com cung cấp các sản phẩm thuộc các ngành hàng như sau: Sách, Văn phòng phẩm, In ấn, bao bì, Bách hóa, mỹ phẩm, Thời trang, Điện gia dụng...
Với phương châm sản phẩm mang lại sản phẩm tốt phục vụ khách hàng ,không bán hàng nhái, hàng giả.
07 Mua rất mong được ủng hộ của quý khách hàng.

Trân Trọng

LIÊN HỆ

Sản phẩm vừa xem

popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Giỏ hàng( Sản phẩm)